“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm truyện dài tám phần của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa,…
Cuốn truyện có hệ thống nhân vật khá giống “Những ngày khói lửa” và một vài truyện ngắn khác, khiến người đọc cảm giác là có nhiều tác phẩm khác nhau trong thời kỳ này cùng viết về một nhóm nhân vật có thật.
Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ…
“Tuổi thơ dữ dội” là một cuốn sách rất hay, rất đáng để đọc, phù hợp cho tất cả mọi lứa tuổi, đã lấy đi không ít nước mắt của người đọc. Ta cảm giác như đang cưỡi trên một cỗ máy thời gian trở về với quá khứ xa xưa, dõi theo cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc qua từng trang sách. Nội dung cuốn sách kể về thời kì chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhưng không hề khô khan như những bài học lịch sử trong sách giáo khoa mà ngược lại còn rất hay nữa. Câu chuyện của những cậu bé nhỏ tuổi dũng cảm tham gia cách mạng đã gieo vào lòng người đọc đủ mọi cung bậc cảm xúc: có căm ghét, có yêu thương, có niềm vui, có nỗi buồn, có nụ cười, có cả những giọt nước mắt. Càng đọc ta càng mở lòng hơn, hòa mình vào những trang sách, dõi theo bước chân của các thành viên “Vê -cu-đê”, để cảm nhận được hết những khó khăn, gan khổ mà nhân dân ta đã phải trải qua dưới ách thống trị của thực dân Pháp; khóc vì hoàn cảnh hết sức đáng thương của Mừng, Vịnh Sưa, Vệ to đầu,…; cảm động vì tình bạn, tinh thần đoàn kết của các Thiếu Niên Trinh Sát; khâm phục những con người quả cảm đã hi sinh vì sự nghiệp đánh giặc (anh chiến sĩ ôm quả bom lao vào xe tăng của giặc để chặn đường chúng, Vịnh Sưa trèo lên nóc tòa nhà cao nhất của địch phất cao lá cờ để đánh tín hiệu về cho chỉ huy,chú bé Mừng lúc hi sinh vẫn cố gắng giải thích để mọi người đừng nghi mình là Việt gian,…). Đó đều là những con người rất nhỏ tuổi nhưng đã ý thức được nhiệm vụ của mình trong công cuộc bảo vệ đất nước, tất thảy những điều đó đều vô cùng cao cả, khắ ghi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng không kém phần sâu lắng. Tuy nhiên, dù viết về thời chiến tranh nhưng “Tuổi thơ dữ dội” không hề mang âm hưởng u ám, trầm buồn. Nó vẫn rất hồn nhiên và hài hước, nhất là những lần Tư dát làm trò, bạn sẽ không thể nhịn được cười vì những chi tiết ấy. Cuốn sách còn thu hút bạn đọc bởi cách viết mộc mạc, giản dị và giàu chân thực của Phùng Quán, bạn sẽ bắt gặp trong suốt cuốn sách những từ ngữ rất đặc trưng của Huế (chi, mô, răng, rứa, nì, hè,..). Nếu chưa được đọc “Tuổi thơ dữ dội”, hãy dành thời gian đọc, suy nghĩ về quá khứ và chiêm nghiệm để biết quý trọng cuộc sống hòa bình hôm nay.